TẠP CHÍ VĂN HỌC MỚI
TẠP CHÍ VĂN HỌC MỚI

PHAN NI TẤN - con đò thủ thiêm / (truyện ngắn) lời đêm (thơ)

15/05/20226:50 CH(Xem: 453)
PHAN NI TẤN - con đò thủ thiêm / (truyện ngắn) lời đêm (thơ)
Hồi trào Tây, người Sài Gòn muốn qua bên Thủ Thiêm họ phải qua sông bằng đò. Sông không rộng lắm, đứng trên kè đá xanh bên bờ này có thể nhìn thấy bờ kia. Năm 1911, Thủ Thiêm là một bến đò nhỏ, chỉ có đò chèo, tới những năm 1930 mới có đò máy và phà, người Pháp gọi là Bac (bến phà).

Hồi đó vùng bán đảo Thủ Thiêm vẫn còn đồng hoang lầy lội, dừa nước, ô rô, cóc kèn mọc chằng chịt. Dọc theo bến đò xuôi về hướng Đông Bắc có một dẻo đất nhô ra, trên đó lèo tèo những chòi lá lụp xụp, vách đất sơ sịa giới bình dân gọi là Xóm Chòi. Vì chỉ có trên chục căn nhà chòi nên bà con chòm xóm ai cũng dễ nhận ra nhau, những dân nghèo rải rác từ miệt thứ tới định cư (chưa có dân đàng ngoài) đều được giúp đỡ tận tình, bữa trước bữa sau đã thân nhau cái rột.

Dân ở đây sống bằng nghề chài lưới, buôn bán ven sông, khai khẩn đất hoang hoặc chèo đò ngang đưa đón khách qua lại trên sông, còn đò dọc thì chèo lên vùng Bình Quới, Thủ Dầu Một đi buôn. Mặc dầu là dân tứ xứ tới Xóm Chòi lập nghiệp nhưng lạ một cái là ai cũng nói rặt giọng miền Nam chỉ lọt có ông Tư Đò là "giọng đàng ngoài".    

Dân Nam kỳ như tụi tui dù "cắn không bể chữ A", anh Bẩu Cần Đước nói, nhưng cũng biết chút ít về lịch sử nước nhà. Thời Gia Long tẩu quốc rồi lập quốc tới đời vua Duy Tân, triều đình nhà Nguyễn được đặt tại cố đô Huế, môt dải đất co eo thắt bụng của  miền Trung nước Việt. Nghe nói xứ Huế gì mà mưa ba tháng không ngừng, sáu tháng không dứt, thúi đất thúi đai. Đúng là cái xứ chó ăn đá, gà ăn muối xa xôi, lạ lẫm cả đời mụ nội tui cũng hổng cách gì đặt chưn ra tới nên dân trong này gọi miền đó là "đàng ngoài".

Cuối thế kỷ thứ 19, ông Tư vốn quê ở tuốt luốt đâu ngoài Vỹ Dạ, Thừa Thiên Huế gì đó (lại còn gọi là đất Thần Kinh mới ngặt), theo cha mẹ vì nghèo bỏ xứ vô Sài Gòn, qua Thủ Thiêm, mới đầu đi mần thuê sau mần nghề đưa đò, cái nghề cha truyền con nối như ông Tư cho biết. Khi cha mẹ qui tiên, ông Tư sống một mình, vẫn đưa đò. Hồi đó bến Thủ Thiêm đò dọc đò ngang còn lèo tèo, con đò của ông Tư coi vậy mà được việc. Ngày ngày cỡi trên mặt sóng, con đò xuôi ngược đông khách của ông Tư Đò luôn luôn chở theo tiếng hò hụi hò khoan làm cho sức sống miền sông nước nhộn nhịp hơn, xanh tươi lên.

Mỗi lần khách qua đò khen ông Tư chèo hay, hò số dzách ông đều xua tay lắc đầu cười hiền: "Tui già rồi, răng mà so bì với mấy o chèo chống dưới sông tê cho đặng". Nhắc gì chớ nhắc tới nghề đưa đò lúc nào ông Tư cũng tỏ ra hào hứng, tâm phục khẩu phục mấy cô chèo đò dưới bến Thủ Thiêm.  

Nhìn con đò phong sương mà thương ông Tư. Cái giọng khàn đục, bừa bựa, chênh vênh của ông dù hay, dù lạ, rặt Huế cũng không làm sao so cựa (dù không ai muốn) cự lại ba cái giọng trong trẻo như là hát dân ca của các "con đò Thủ Thiêm". Những cô gái Thủ Thiêm rạm nắng trong chiếc áo bà ba nâu, quần lãnh mỹ a đen mướt, eo hông mượt mà, ngực mông uyển chuyển đã tạo nên một vẻ đẹp sinh động trong dáng điệu chèo đò. Chính vì hình ảnh trẻ trung, đầy sức sống đó, vô tình các cô đã chèo con đò của mình vào sâu trong câu ca dao bất hủ, trở thành câu chuyên dân gian không biết có từ bao giờ "Bắp non mà nướng lửa lò. Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm".  

Nhưng mà ngoài nghề đò, ông Tư  còn thêm nghề bốc thuốc gia truyền miễn phí giúp đỡ dân nghèo, dù ông còn nghèo hơn cả kiếp nghèo. Ngộ nhứt là ông từng là một nhạc công cung đình Huế lúc12 tuổi. Nhờ ba cái nghề hữu ích này, ngoài cái tên quen thuộc "ông Tư Đò" giới bình dân còn ưu ái gọi ông là "ông Từ điệu nghệ", rất được lòng bà con toàn vùng đất Thủ Thiêm lan qua cả Sài thành.

Thiệt thà là đức tính của ông Tư. Thêm cái giọng trọ trẹ mà từ tốn của ông lúc đầu nghe thắc cười vì lạ tai riết rồi ai cũng quen.

Mới bét mắt đã nghe: "Ông Tư Đò ơi! Ông Tư có nhà hôn?". Ông Tư ngồi chò hỏ trong nhà dòm ra: :Dà (Dạ). O mô rứa? O cần chi, tui giúp?"

"Ông Tư cho tui quá giang xuống trại Thủy nghen".  Ông móm mém cười: "Dà, bữa ni gió lớn, đò tròng trành, cô Hai Hên cẩn trọng hỉ".  

Một lần khác, giọng quýnh quáng: "Cứu, cứu giùm thằng con tui, ông Tư ơi! Nó bị con gì cắn".   Ông Tư ôn tồn: "Dà, anh Hai giúp tui bồn (bồng) hắn lên chờn (giường) để tui chộ (coi). Ui chao ôi! Con rắn chàm quạp cắn chớ còn con chi..."

Thỉnh thoảng nhìn trăng lai láng trên ngọn dừa ông cao hứng xách đờn cò ra vừa kéo ò e vừa hò giọng nặng trịch như thuốc lá Cẩm Lệ, dân xa quê nghe ai cũng rầu thúi ruột thúi gan. Hỏi thì ông vuốt mớ tóc bạc lòa xòa trên trán, cười nhỏ nhẹ: "Dà, bài ni là bài hò mái nhì, năm tể năm tê bọ mạ tui đưa đò trên sông Hương hay hò; còn bài tê là Chầu Văn".

Cuộc sống cư dân Thủ Thiêm dù cực nhưng cũng tạm lây lất sống qua ngày. Đương khoẻ re như con bò kéo xe thì đùng một cái cứ như là trời sập tới nơi. Số là nửa đêm nửa hôm, ngoài trời mưa to gió lớn, dưới sông sóng cuộn bỏ vòi, dân Thủ Thiêm đương chìm trong giấc điệp bỗng giựt mình thức giấc vì nghe súng đạn nổ rền trời đất.  Cả xóm hoang mang, nhiều người chạy ra coi thì thấy đâu chục bóng đen cầm súng chạy thục mạng về phía xóm. Họ là Việt Minh.

Cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn, Nhiều tiếng súng phá toạc màn đêm. Việt Minh đã có chủ đích. Họ xông vô Xóm Chài lùa dân xuống bến làm bia đỡ đạn để dễ bề tẩu thoát.

* * *

Câu chuyện về Xóm Chài bên Thủ Thiêm đã trở thành một trong những chuyện đau thương của thời chiến tranh thuộc địa. Phóng viên nhà báo Sài thành đã nhanh chóng ghi lại trong một tờ nhật trình:

"Nửa đêm quân Pháp bí mật vượt sông qua Thủ Thiêm hợp với lính partisan (lính đánh thuê) phục sẵn ở Thủy Trại, chia thành hai mũi giáp công đánh úp những con đò đang vận chuyển vũ khí và cán bộ Việt Minh từ An Khánh, Thủ Thiêm vào nội thành Sài Gòn. Trận đó phía Việt Minh bị thiệt hại nặng. Số chết, số bị thương, bị bắt, số còn lại chạy thoát về phía Xóm Chòi. Không biết vì giao tranh giữa hai phe, lính Lê Dương đốt nhà dân để chận địch hay Việt Minh dùng hỏa công để tẩu thoát, đã phóng hỏa thiêu rụi cả Xóm Chòi.

Sáng ra, Xóm Chài vẫn còn nghi ngút khói. Số thương vong gồm ngưòi lớn và trẻ con bị thiêu cháy thành than. Dưới bến đò, xác Việt Cộng lẫn xác người dân vô tội nằm rải rác khắp nơi. Nhiều xác đò bị đạn hư hại hoàn toàn... ".

Đáng tiếc là anh nhà báo không biết nên không đề cập tới số phận của ông Tư Đò. Thực ra, con đò của ông Tư vẫn bồng bềnh neo dưới mé sông. Có điều phía trái mạn đò, dòng máu tươi như vết sơn rớt dính mớ tóc bạc kéo thành một vệt dài chảy xuống đọng thành vũng giữa lòng đò.

Gió dưới bến đò đã êm, sóng đã lặng, như thể sóng và gió đồng lõa với cái phẳng lặng và kỳ lạ của máu người.

PHAN NI TẤN

THƠ

lời đêm
cứ tưởng chết chìm trong trận rượu
tàn canh tim vẫn đập thầm thì
không hẹn mà đồng thanh tương ứng
trầm mình cho tiếng hát cuốn đi
người hát bài ngợi ca đất nước
đàn cao tầm nghe ngực đẩy hơi lên
lim dim tôi thấy tôi sờ được
bóng núi quê nhà lấp lánh đêm
chợt nhớ những tháng ngày tác động
ôm đàn đi thành gã hát rong
áo xưa từ độ phai màu đất
hồn đời nghe nặng bước lưu vong
bản tình ai hát sao mà ngọt
bàn tay xưa xóa miếng yêu đầu
qua sông con sáo nay là bậu
tiếng hót năm nào lạc phía sau
người hát bản tình ca ngày nọ
lâu rồi nghe lại vẫn gây mê
ơi đôi dòng nữ xanh như ngọc
nương tiếng đàn theo tịch mịch về
người không hát ngồi làm thính giả
rượu trong tay chừng đã khô màu
thả hồn lơ lửng trong câu hát
người gục đầu
 gục đầu
  gục đầu
đêm sâu đầy gió đêm sương lạnh
lời ca còn ngất ngưởng trên cao
ngước mặt tôi nhìn lên đời rộng
rồi
 chìm sâu
  chìm sâu
   chìm
     sâu...

PHAN NI TẤN
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
TẠP CHÍ VĂN HỌC MỚI
TẠP CHÍ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHÁT HÀNH MỘT NĂM 6 SỐ (2 THÁNG 1 SỐ) HẾT HẠN NHẬN BÀI VÀO CUỐI THÁNG THỨ 1
amazon issuu