TẠP CHÍ VĂN HỌC MỚI
TẠP CHÍ VĂN HỌC MỚI

“Nhà không nóc”

01/12/20217:57 CH(Xem: 1438)
“Nhà không nóc”
Mẹ tôi ở góa năm 27 tuổi. Thời đó, chiến tranh lan rộng khắp nơi. Ở đâu có súng nổ thì ở đó luật pháp mơ hồ. Mẹ tôi bỏ quê lên thành, thuê nhà, may vá độ nhật. Tôi lớn lên trong vuông nhà nhỏ, quanh quẩn tập đi, tập chạy trong cái sân nhỏ xíu, nền đất phẳng lì. Nhưng căn nhà đó sau này cũng mờ dần không còn lần ra chỉ dấu. Một cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi xóm nhà lá nghèo nàn bên khu Khánh Hội. Có thể nói ký ức tuổi thơ của tôi khởi đầu từ một đám cháy.

Chính quyền Sàigon thời đó chuyển tất cả nạn nhân của khu nhà cháy lên vùng đất mới ở ngoại thành. Mỗi gia đình, dù là chủ nhà hay người thuê đều được cấp cho một lô đất khá rộng để cất nhà. Vật liệu thì do Bộ Xã Hội và cơ quan cứu trợ của Mỹ phân phát. Những gia đình nào không có tiền thuê thợ thì họ gửi quân đội tới giúp. Xóm nhà tôi do tiểu đoàn 33 Biệt Động Quân, tiểu đoàn trưởng là Đại úy Nguyễn Ngọc Khoan chỉ huy. Lính đánh giặc mà cất nhà cũng giỏi, họ làm chớp nhoáng là xong. Mấy anh lính thật vui, họ còn kiếm đâu ra mấy gốc dừa, một số cây giống xoài ổi trồng giúp. Nhà mới dựng mà có màu xanh của lá, lấm tấm màu cam đỏ ối của Vạn Thọ, mầu cánh sen rực rỡ của đám hoa Mười Giờ trông thật ấm cúng. Khu Phú Thọ Hòa I, rồi Phú Thọ Hòa II ra đời. Những căn nhà mới này được Sở Địa Chính thời đó cấp ngay giấy chủ quyền. Cho tới bây giờ, đã hơn nửa thế kỷ, thỉnh thoảng tôi vẫn đem ra ngửi mà vẫn còn thấy thơm mùi hạnh phúc.

Nhà cháy, hóa ra lại may. Căn nhà mới là của trên trời rơi xuống. Mẹ tôi cứ nhắc đi, nhắc lại làm tôi nhớ nằm lòng. Có thể vì thế mà từ hồi rất nhỏ tôi đã mê ngắm trời, ngắm đất. Những buổi tối giải chiếu trước nhà, tôi ngước đầu ngắm mãi cái ánh vàng lấp lánh tưới trên đầu cây ngọn cỏ. Một mình tôi cứ chạy nhảy, đùa giỡn với bóng trăng. Cứ phủi, cứ giũ thật mạnh là hắt được cái ánh vàng kia sẽ rơi xuống đất. Lớn lên một chút thì chỉ im lìm ngắm. Cả vũ trụ mênh mông ở ngoài kia đường như có một con mắt từ trong sâu thẳm cũng đang rình ngó lấy mình.

Thuở ấy Sàigon chưa mở rộng, ngoại thành còn thưa thớt, hàng xóm là di dân tứ xứ đổ về. Người trí thức, kẻ quê mùa,… tất cả đều tản cư vì chiến cuộc. Chỉ ít tuần, chợ nhỏ nhóm lên, rồi trường học, chùa chiền, quán xá,… Sáng chiều, học trò vui chân ê, a trước ngõ. Bấy giờ, láng giềng đã trở nên thân thiết. Mẹ tôi cũng bắt đầu nhận lãnh đồ thêu về nhà, vừa làm vừa trông con. Tiền thêu rất rẻ, mẹ phải cật lực làm việc suốt ngày mới tạm đủ cho cuộc sống đơn giản của hai người.

Ở góa rất khó, nhất là ở vào cái tuổi 27. Người đàn bà cô quả giống như một giò lan vô chủ. Cái khó không phát sinh từ cuộc sống mà từ những áp lực vặt vãnh ngoài đời. Căn nhà nhỏ đơn sơ của hai mẹ con đôi khi trở thành cái đích cho láng giềng dòm ngó.

Hồi đó, mỗi khi ra ngoài tôi rất khó chịu khi nghe những người hàng xóm trêu,
“Ê, bé con. Chừng nào mẹ mày lấy chồng?”
“Có cha ghẻ rồi, mẹ mày sẽ không thương mày nữa.”
Vài người đàn ông còn trơ trẽn hơn, chìa cho tôi cái bánh.
“Con gái ơi, kêu tao bằng cha, tao cho cái này.”

Tôi quắc mắt nhìn họ, mặt giận bừng bừng. Mấy thằng cha còn cười hô hố, bảo nhau, “Ê, con nhỏ này dữ à nha,…”

Có người mách mẹ, mẹ chỉ ôm tôi vào lòng và bảo quên đi, coi như không nghe, không thấy, không biết.

Thôi thì tránh tiếp xúc với hàng xóm, tối ngày tôi quanh quẩn bên mẹ, lúc thì xỏ kim, lặt chỉ, hay xếp những xấp hàng thêu.

Những năm về sau, mẹ nhận nhiều hàng hơn. Ngày tháng cứ thế trải dài trên từng đường chỉ.. Nhiều khi thấy mẹ buông kim, mấy ngón tay tê cóng không duỗi thẳng ngay được. Lúc xoa tay cho mẹ, tôi thường rờ rẫm những vết sần, vết chai nổi cục giữa những ngón mềm dịu của Người.

Tôi giấu mẹ, gom những mẩu vải vụn học thêu một mình, mong đỡ đần một tay. Nhưng rồi mẹ cũng biết, liền mắng cho một trận và từ đó mẹ cắt nát tất cả những mẩu vải thừa, cấm tôi đụng đến kim chỉ.  Không thêu được, mỗi ngày học xong tôi bắt đầu đọc truyện cho mẹ thêu. Từ cổ tích Tấm Cám, cho đếnThạch Sanh Lý Thông,… rồi tới truyện Tàu, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, Tự Lực Văn Đoàn, truyện dịch của Hà Mai Anh, Những Tâm Hồn Cao Thượng,… Có những đêm mưa rả rích, tôi nằm trong mùng nhìn bóng mẹ nhập nhòe qua màn vải mỏng. Gió lùa qua vách, ánh đèn dầu chập choạng chực tắt, mãi cho đến khi mắt tôi ríu lại. Nhưng hình ảnh đó sau này trở thành một bức tranh đẹp nhất trong đời.

“Má mầy chừng nào lấy chồng?”
“Phải để bả đi bước nữa chớ.”
Những người hàng xóm thường thi nhau hỏi đùa riết làm tôi phát bực.
Bà ngoại, cậu mợ, cô dì,… cũng truy hỏi mẹ tới cùng.
“Con còn trẻ quá mà, cũng cần phải tìm nơi nương tựa chớ.”
“Bộ em tính ở vậy suốt đời sao?”
Còn bà ngoại thì cứ nhắc hoài một câu thiều, “Con không cha như nhà không nóc, mày liệu đó.”
Mẹ tôi gạt phắt đi bằng một nụ cười giả lả.

Hơn ai hết, mẹ tôi biết rõ điều này. Những lúc nhà dột, cột xiêu, máng xối lâu ngày mục lủng, liếp cửa bị gió bật, chái bếp bị xập, hoặc phải khai mương, khai rãnh là cả vấn đề. Mẹ tôi chờ lúc vắng người, không ai trông thấy mới sửa. Phải sửa lén như thế cũng chỉ vì mẹ không muốn người ta nhìn thấy yếu điểm của mình. Hình ảnh người đàn bà trèo lên mái nhà trét chai, hay bửa củi đều là những cảnh khó coi.

“Đất nước chiến tranh, đừng đòi hỏi gì cả.” Mẹ tôi nói vậy. Tôi có mẹ cảm thấy mình không còn thiếu thứ gì. Ký ức về cha là một khoảng tối mơ hồ. Tôi biết cha chỉ qua di ảnh và những mẩu chuyện từ mẹ. Hồi nhỏ tôi thường đứng trước bàn thờ với những ý nghĩ vớ vẩn. Cha tử trận năm 33 tuổi, cái tuổi ấy đã ngừng lại. Chừng nào thì tôi lớn bằng cha? Đó là cái cột mốc trước mặt mà sẽ có ngày tôi vượt qua. Nếu còn sống, người sẽ làm gì trong căn nhà này?

Trí tưởng tôi tha hồ thêu dệt những hình ảnh sống thật. Cha ngồi đọc báo chỗ này, nằm ngủ chỗ kia, ăn uống vui đùa, chia sẻ những mẫu chuyện thường ngày, cha cũng vẫn giống như đang sống.

Vậy mà thiên hạ vẫn coi nhà tôi là “nhà không nóc”.

Thuở ấy, người ta chia Khu Phú Thọ Hòa ra làm nhiều xã, xã lại chia ra thành ấp, ấp có ấp trưởng. Ai đề cử Trưởng Ấp tôi không biết. Nhưng ông Hai Mân làm Trưởng Ấp thì nhiều người không phục. Dưới Ấp trưởng thì có mấy tay dân vệ. Hồi đó chưa có lực lượng Nhân Dân Tự Vệ. Ông Hai Mân thường tụ họp mấy tay dân vệ trực nhật trong văn phòng Ấp sau nhà. Từ cái văn phòng này phóng qua nhà tôi rất dễ. Mùa Hè, tụi con nít thường hay ra khu đất lất phất đám cỏ mây để lùng dế. Chúng nó báo với tôi, ông Hai Mân hay rình má mày qua mấy lỗ gạch ống.

Người dòm ngó mẹ tôi không chỉ có Hai Mân, nhưng ông ta là người tôi sợ nhất. Hai Mân có dáng vẻ của một tay trọc phú, vừa thô tục lẫn thô bĩ. Thân hình to lớn, bụng nhung nhúc mỡ. Cánh tay trần của ông ta thôi cũng coi to hơn gấp đôi bắp vế của tôi. Do làm sở Mỹ nên khá giả trông thấy. Nhà ông đầu khu, là căn lớn nhất do bỏ tiền mua hai lô gộp một. Nhà cửa khang trang, và lực lượng nội cung cũng hùng hậu nhất.

Hai Mân có hai vợ, 13 con. Đứa lớn nhất mới nhập ngũ, đứa nhỏ nhất còn nằm trong bụng bầu bà nhỏ. Do mọi người nể sợ nên Hai Mân thường đóng vai quan tòa, xét xử mọi sự vụ tranh chấp lớn nhỏ trong xóm. Nhưng khi xử việc nhà, nhất là chuyện của hai vợ thì toi. Mà hai vợ thì xung khắc nhau như cơm bữa.

Nhiều khi đi học về tới đầu đường thì tôi đã chứng kiến những vụ cãi nhau. Lần đó, Hai Mân đang đánh vợ. Bà nhỏ hai tay ôm đầu, cứ lui dần, lui dần tới mé giếng. Thật nguy hiểm. Nhưng bà không nhìn thấy phía sau, chỉ còn vài bước là lọt ngay xuống miệng giếng. Tụi con nít bên ngoài nóng ruột vừa kêu, vừa la chói lói. Nhưng bà nhỏ không nghe. Có lẽ lúc đó bà chỉ nghe thấy tiếng kêu khóc của mình.

“Đừng đánh em anh ơi, đừng đánh em. Chết em anh ơi”
Mấy đứa con nít nghe một hồi nổi nóng, hét. “Trời! giờ này mà còn anh với em. Thằng chả đánh gần chết rồi kia kìa!”
Bà nhỏ vẫn một mực van xin. Tụi con nít loai choai quay nổi sung, đâm ra chửi nạn nhân
“Ngu. Ê, cái bà ngu kia!” Một tiếng kêu chói tai.
“Đánh lại “nó” đi. Đánh “nó”.” Đám con nít lau nhau.
“Chưa chắc “mình” thua đâu. Đánh đi, đánh.” Tiếng reo hò cỗ vũ như đang đi coi một đám chọi gà.
“Thoi nó”,
“Rứt râu nó.”,
“Móc mắt nó.”

Nghe con nít xúi, ông Hai Mân quay ngoắt lại, nổi khùng chửi, “ĐM.  tuị bây, coi cái gì mà coi. Coi cái con C. tao nè.”

Chỉ có vậy, tụi con nít được thể la rân trời, “ Coi, coi. Có hôn mà coi.” Có đứa khích bác, “Dám cho coi hông đó. Chỉ nói cái miệng, là đồ hèn.” Tụi nó thách.

Thấy đám nhỏ hỗn giàng trời, còn lớn lối. Ông Hai Mân nổi điên, trợn mắt, hai tay lật bật tìm hai đầu của cái dải rút. Ông phải chứng tỏ ông không hèn.

Cái khoảnh khắc này xảy ra trong chớp mắt mà hồi hộp muốn rụng tim luôn. Người lớn, ai nấy chạy tốc vào nhà. Ai nhắm chạy không kịp thì bịt mắt lại. Còn mẹ tôi từ đâu phóng ngược tới, lôi tôi chạy như bay cơ hồ chân không bén đất.

Từ trong nhà, tôi ngó trộm từ cửa sổ, chỉ nhìn thấy phía sau lưng Hai Mân. Không ngờ, ông ta cởi thật. Chiếc quần cụt tuột xuống quá mông.

Lũ con trai phá ra cười ngặt nghẽo. Có đứa thả mình nằm dài trên con lộ, giang chân xoãi tay  hêt cỡ, rồi ngửa mặt lên trời buông một tràng cười thiệt là thống khoái.

Trời ơi, không phải chim mà là quạ bây ơi.” Tụi nó kinh hoảng khi phát giác một bí mật động trời.

Sau vụ đó, Hai Mân mất chức trưởng ấp.

Tuy mất chức, nhưng Hai Mân vẫn còn oai lắm. Những nhà nghèo quanh đó vẫn hy vọng vay mượn ở ông khi khốn khó. Vì thế, nhiều kẻ vì nịnh bợ, vẫn a dua theo ông như thường. Và khi Hai Mân trừng phạt một đứa trẻ nào thì người lớn trong nhà phải mau mau mà cảm ơn ông ta đã ra công dạy dỗ.

Mùa xoài năm đó, trời oi bức lạ nên xoài non rụng đầy sân. Nhà nào may mắn thì còn dăm ba quả.

Có một buổi trưa tan học, trên đường về ngang qua nhà Hai Mân tôi ngạc nhiên quá đỗi. Một nhành tre đầu kia có cột sẵn một cái móc, đây là thứ để thọt xoài. Có ai đó chơi cắc cớ cài cái nhành tre móc trên cuống một trái xoài to nhất còn lủng lẳng trên cao. Một kẻ nào đang tính bẻ trộm đây. Nhưng vì sao họ không giật phắt ngay mà lại treo cái móc rồi bỏ đó. Trộm xoài nhà Hai Mân gan phải to tày đình, mà trộm giữa ban ngày, ban mặt mới ghê chứ.

Trong khi tôi còn dáo dác thì Hai Mân đã chộp cổ tôi, hô hoán. Hai bàn tay hộ pháp xốc nách tôi giơ hổng lên cao. Tôi chết diếng, thân thể run lẩy bẩy, mặt tái mét không còn một giọt máu. Hai chân tôi giãy giụa trong không, cổ bị nghẹt, cơ hồ thở không ra hơi.

“Ăn trộm đây. Bắt được ăn trộm đây.”
Có người tức tốc phóng qua nhà tôi.

Mẹ tôi chạy ra, “Ông Hai, ông Hai bỏ nó xuống. Bỏ con tôi ra.” Mẹ lạc giọng, kêu. Hàng xóm cũng kêu giúp.

Hai Mân đặt tôi xuống, nhưng hai tay vẫn kẹp cổ tôi. “Nó hái trộm xoài tôi nè. Cũng may là tôi bắt đưọc.” Ổng chỉ cái nhánh tre còn móc trên trái xoài làm chứng.

Hàng xóm bàn tán rân trời.
Mẹ tôi phân trần. “Không thể là nó. Con tôi không với tới nhánh tre. Mà nó cũng đứng ngoài hàng rào thì làm sao vói tới.?”
Nhưng Hai Mân không nghe, mặc mẹ phân trần.
Ổng đòi, “Cô kêu tui một tiếng Anh đi rồi tôi tha.”
Mẹ tôi khựng lại một chút, rồi chắp tay xá dài, miệng cứ xin lỗi, xin lỗi mãi.
Cuối cùng Hai Mân mỏi tay, buông tôi xuống.
Tôi giận mẹ cả ngày, chỉ vì mẹ xuống nước đi xin lỗi ông ta
Ít ngày sau, một người chị họ tôi thú nhận, “Tao treo đó, nhưng tao chỉ muốn cảnh cáo ổng, đừng nhìn ai cũng tưởng ăn trộm. Xoài nhà ổng chua lét, ai mà thèm.”

Ít ngày sau, Hai Mân bày vẽ sai người đem bánh trái làm hòa. Mẹ không nhận. Chưa chịu thua, ông ta lại đem rượu, gạo, tiền, vải vóc, lấy cớ là “Hàng xóm tương lân”, thương người góa bụa. Thời ấy, mỗi nhà đều có treo tấm bảng nhỏ “Gia đình tôi không chấp nhận Cộng Sản” để phòng Việt Cộng đột nhập trà trộn vào dân. Mẹ tôi vẽ thêm một cái bảng nhỏ,  “Miễn quà cáp”, treo bên dưới.

Gia đình tôi nghèo nhất xóm. Gia đình ngoại, xưa vốn là điền chủ, giàu có một thời. Sau luật Người Cày Có Ruộng, ruộng đất được chính phủ Miền Nam mua lại để phát cho dân nghèo cày cấy. Mẹ tôi nói, “Tiền bạc như nước, không ai giữ lâu trong tay được.” Tuy cha đã mất từ lâu, nhưng nhiều người quen xưa, gặp mẹ vẫn cúi đầu, “Chào Bà Đại Úy”. Mỗi lần như vậy mẹ vui lắm và bắt tôi kính cẩn chào lại. Mẹ nói, nếu ai cũng giữ lễ thì người ta bớt đối xử xấu với nhau. Tôi cãi, “Con chào ông Hai, ổng cười khẩy, đâu khi nào chào lại.” Nói sao mẹ cũng bảo, mình làm đúng phần mình trước đã, còn phần họ sai là chuyện của họ.

Một hai năm trôi qua nhanh như chớp, da mẹ còn láng nhưng tôi khám phá tóc mẹ đã có nhiều sợi bạc. Đôi khi tôi hỏi bâng quơ,

“Mẹ không thích ai thật sao?”
“Bác Cự, bác Phát, bác Kim? Thì sao?” Mẹ tôi nhăn mặt, rầy yêu.
Tôi không tin, một người không tìm thấy ai đáng để thương cả thì quả là đáng tội. Cái thế giới nội tâm của mẹ giống như một ngọn núi thần bí, mây mù lảng vảng khó nhìn.
Họa hoằn lắm thì mẹ giải thích, “Mình không thương mà lấy họ thì cũng là gạt họ.”
“Có một người lạ trong nhà, nhà mình sẽ biến thành nhà khác.”
Bất chợt, tôi quay đầu nhìn lên bàn thờ cha. Nếu nhà có thêm một người thì cha sẽ phải đi đâu?

Cảnh đơn chiếc của nhà tôi lâm vào thế yếu. Nhà bên trái làm hàng rào lấn qua nhà tôi 2 tấc đất, mẹ lấy bản đồ đo đạc của Sở Địa Chính cấp cũng không ăn thua. Ít lâu sau, nhà bên phải đào một con mương làm rãnh, lấn qua tới nửa thước. Mẹ kiện, Cảnh Sát tới phân xử bắt hai nhà hàng xóm lùi lại vị trí cũ. Nhưng họ vẫn ỳ ra đó, lấy nhiều cớ không đâu để trì hoãn, dụng kế “Cứt trâu để lâu hóa bùn”. Mỗi lần tranh cãi, ông Hai Mân đều cười hề hề, lấy câu “Dĩ hòa vi quý” ra khuyên mẹ. Mặt khác ông đề nghị, ông sẽ lấp cái mương giúp, sẽ dời cái hàng rào giùm, nếu mẹ gọi ổng là Anh. Mẹ tôi giận quá, mắng cho một trận. Ông ta cũng không vừa, chửi mẹ là “Đồ sát phu”, “Nghèo mà phách.”  

Tôi nhớ hồi trước, những đêm sáng trăng, mấy đứa con nít quanh đó vẫn tụ họp trước sân chơi đùa. Chúng tôi thường nắm tay nhau, đi lòng vòng ca hát.

“Cái nhà là nhà của ta.
Ông cố, ông sơ lập ra,
Cháu con phải gìn giữ lấy,
Mới mong có nước non này.”
Mẹ tôi từng dạy thế, vậy mà giờ chịu bó tay.

Bài “Cái nhà là nhà của ta” không biết của ai mà có ảnh hưởng rất lớn với những tâm hổn non dại. Nhà mà không giữ được thì làm sao giữ nước? Anh Tài Giỏi, hậm hực nói. Mẹ tôi thường xoa đầu anh an ủi, con còn nhỏ mà thì làm được cái gì.

Anh Tài Giỏi, là đứa trẻ lớn nhất trong đám chúng tôi. Tài Giỏi thực ra là cái tên ghép đôi của hai cha con. Tài là cha, Giỏi là con. Nhưng cái tên chẳng khẳng định được thực chất, mà chỉ là hy vọng. Ba anh chỉ mong anh là đứa con thật giỏi, nhưng anh chỉ là đứa lông bông. Cái hơn người của anh ở cách khác. “Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha.” Một Lục Vân Tiên nho nhỏ trong đời thường.

Thật ra, tôi không biết gì về kế hoạch của anh Tài Giỏi. Đêm đó, trăng sáng lắm, người chị họ (là đứa trẻ treo nhành tre móc xoài cảnh cáo ông Hai Mân) lôi tôi ra vườn sau nhà anh Giỏi.

“Tao đi trả thù cho má mầy.”

Anh chọn một gốc ổi, chặt rụi cành, chỉ chừa hai nhánh lớn, rồi sai chúng tôi vặt lá để làm thành một cái ná sống.

Anh rọc một chiếc ruột vỏ xe đạp cho rộng bản rồi nong vào hai nhánh ổi. Xong anh kéo và bật thử nhiều lần cho nhuần tay. Đạn là những cục đất sét khô đã vo cứng to như trái bưởi thanh, anh chất trong bếp không biết tự đời nào.

Ba giờ khuya, đêm bấy giờ ngủ kỹ. Từ vuông sân đó, anh Giỏi giương “ná ổi” nhắm ngay nóc nhà Hai Mân. Anh bảo chúng tôi, “Hai đứa bây chạy đi.” Nhưng chúng tôi không chịu, có chết thì chết chung. Anh Giỏi giậm chân, nạt khẽ, “Tụi bây con gái, chạy chậm như vịt. Tao không muốn chết chùm cả lũ.”

Chúng tôi đâm đầu chạy một mạch. Khi rút mình vô chăn, tôi nghe những tiếng rầm rầm vang vọng từ xa như tiếng pháo kích. Mẹ tôi giật mình thức dậy. Cả xóm cũng hoảng hốt mở cửa ra coi. Nhưng tứ bề yên tĩnh, thấy không có gì, ai nấy vô nhà ngủ lại.

Tờ mờ sáng hôm đó, cả xóm nhốn nháo trước nhà Hai Mân. Bà lớn, bà nhỏ kinh hoàng đua nhau kể. Đang ngủ ngon, cả nhà Hai Mân giật bắn người khi có tiếng “nổ” từ trên trời vọng xuống. “Nổ” chừng bốn, năm tiếng gì đó thì hết. Cả nhà rút xuống hầm trú, cứ nghĩ là Việt Cộng tấn công, không ai dám ra ngoài. Đợi tới sáng, ông Hai Mân mới phát hiện ra một đống đất sét nằm chình ình trước cửa. Bụi đất sét còn vàng khè trên mái.

Mọi người tin chắc mẻm rồi ông Hai Mân sẽ nổi cơn thịnh nộ, chửi rủa suốt ngày. Không biết ai là thủ phạm. Nỗi nghi ngờ bao phủ cả xóm. Nhưng thật bất ngờ, Hai Mân làm thinh, không có lấy một lời chửi rủa hay than oán. Hai bà vợ của ông thì rấm rứt khóc, ông ăn ở làm sao cho chúng ghét, “nó” bắn đất sét, chứ quăng lựu đạn thì cả nhà chết chắc.

Không biết anh Giỏi trốn biệt đi đâu. Bác Tài hỏi thăm khắp nơi chẳng ai biết. Chừng anh trở về, tôi mừng lắm. Mẹ tôi sau khi biết chuyện đã ôm anh vào lòng mà khóc. Mẹ la rầy anh Giỏi dữ lắm. Mẹ dặn đi dặn lại cả trăm lần, bắt anh hứa là không tái phạm. Mẹ nói, “Ở đời cứ sử dụng bạo lực thì sẽ gặp bạo lực.”, “Chuyện nhỏ không nhịn được thì làm sao làm chuyện lớn.”

“Chuyện lớn là chuyện gì?” Tôi hỏi.
“Thì là chuyện học. Cứ  học cho giỏi đi đã.”

Khi tiễn anh Giỏi ra cổng, chắc là anh bực lắm, miệng cứ lầm bầm, “Chán, đàn bà hết thảy đều nhu nhược.”

Không lẽ tôi kể với anh, mẹ tôi không dám giết một con kiến nữa là,…

Mấy hôm sau, bà lớn thay chồng đi xin lỗi hàng xóm, nếu chồng bà sai quấy thì xin thương tụi nhỏ mà bỏ qua cho

Có một mùa Hè, xóm tôi trở nên vắng lặng. Ông Hai Mân đi đâu mất biệt cả năm trời. Đã lâu rồi trong xóm không có một vụ nào ra hồn. Buổi chiều, đám con nít chán, kéo nhau ra ruộng ấp chơi đánh giặc. Tôi cũng thường đi lang thang ngắm cảnh chiều rơi. Và phát giác những sợi tơ trời lững lờ, trôi hoang trong nắng. Đó là những sợi tơ trời mà mấy mươi năm sau tôi mới gặp lại trong thơ Tô Thùy Yên.

“Ta về như sợi tơ trời trắng.
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh.”

Tôi thương cái chữ “chấp chới” này, nó làm hực lên cái ánh nắng vàng trong suốt ngày xưa quá đỗi. Có những buổi chiều mà tiếng chuông nhà thờ thánh thót rơi xuống không gian đến nỗi tới bây giờ, mỗi lần thấy nắng chiều, tiếng chuông ấy cũng còn gióng lên tâm thức đầy những hồi tưởng.

Tuổi thơ tôi có lẽ cứ êm đềm như vậy nếu ông Hai Mân không trở về.
Ngày trở về của ông làm náo loạn cả xóm.

Sau buổi ăn mừng đình đám, buổi tối đó bắt đầu có chuyện to tiếng. Ban đầu, cãi nhau trong nhà, sau lan ra cả xóm. Mấy đứa nhỏ con nhà Hai Mân là những đứa truyền tin chính xác nhất. Nó nói, ba nó muốn rước một người vợ thứ Ba về, nhưng hai má nó không đồng ý. Bà lớn khóc lóc, vợ con cả đàn bây giờ rước thêm người nữa thì lấy gì mà ăn. Bà nhỏ cũng khóc, vì ông đã “phản bội” bà mà thương người khác. Ổng nói, “Sao tao phản bội người khác để cưới mầy thì mầy lại chịu hả?”, “Bây giờ, tao cưới người ta rồi, nửa đêm nửa hôm mầy biểu người ta đi đâu?”

Hóa ra, đám cưới thứ 3 của ông đã diễn ra ở Long Xuyên, nơi mà ông đi công tác mất tăm cả năm nay. Dàn xếp chưa xong mà ông đã dẫn bà Ba về sống chung. Thương thuyết bất thành, ông vớ bình trà phang bà nhỏ một cái lổ đầu, phún máu. Đám con bà nhỏ lấy khăn chụp ngay trán mẹ, cấp cứu. Tiếng la khóc vang trời làm ông điên tiết. Bà lớn xông tới xỉa xói, bênh bà nhỏ. Ông thoi vô mặt bà lớn trúng mắt, máu trào đỏ mặt. Bà lớn té nhào xuống đất, hai đứa con bà nhào tới đỡ. Bà lớn hai tay bụm mắt, loạng choạng chạy ra ngoài. Bà chạy tới đâu hàng xóm đóng cửa tới đó. Không ai dám chứa chấp khi ông Hai Mân vác gậy gộc hò hét đuổi theo.

Khi bà chạy ngang trước nhà, mẹ tôi mở cửa kêu, “Chị Hai, chị Hai ơi có sao không?” Chỉ nghe có vậy, bà lớn đứng lại nhìn mẹ tôi. Một cảnh tượng kinh hoàng khiến tôi không thể nào quên được cho tới suốt đời. Mẹ tôi cũng khiếp đảm, hai tay run lẩy bẩy. Bà lớn mở hé bàn tay đang bụm con mắt trái cho mẹ tôi coi. Nguyên tròng con mắt đã lọt hẳn ra ngoài, tay bà lớn phải chụp lại để tròng mắt không rớt xuống đất. Một thứ gì đó sóng sánh như lòng trắng trứng lễu nhễu tuôn từ kẽ tay ướt nhẹp. Má phải và hai dính đầy máu. Bà lớn kêu lên trong tiếng nấc, “Cô Út cứu tôi, cô Út ơi!”.

Mẹ tôi kéo rộng cửa, đỡ bà lớn vào trong nhà. Bà run rẩy ngồi bên mép giường. Mẹ tôi kêu con gái lớn của bà ra đường lớn kêu xe, bất cứ xe nào cũng được. Lúc đó đã khuya, rất khó có xe. Mẹ lại sai con gái nhỏ, chạy vô trạm cảnh sát. Tôi đun nước nóng, mẹ lấy bông băng, cẩn thận lau vết thương cho bà lớn.

Chỉ vài phút sau, chưa kịp lau xong thì ông Hai Mân vác gậy ập tới trước cửa, oang oang. Ông la hét đòi người.

“Vợ tôi đâu, đem nó ra đây.” Ông phang gậy, đập rầm rầm vào cái cổng rào. “Ai dám chứa vợ tôi hả? Nó là vợ tôi, tôi có quyền dạy nó.”

Trong nhà, bà lớn sợ hãi, “Cô Út ơi, ổng dánh chết tôi, cô Út ơi.”

“Chị cứ ở đây, không sao đâu.” Mẹ dặn tôi, con ở đây coi chừng dì.

Mẹ tôi xuống bếp, vác con dao bửa củi, xông ra. Tôi nóng ruột, bỏ bà lớn, núp sau cánh cửa run cầm cập. Ngoài đường lúc này người ta bu xem đen nghịt. Ánh đèn dầu leo lét hắt ra ngoài.

Mẹ tôi cầm dao ra trước cổng. Ông Hai Mân kêu, “Cô Út, trả vợ tôi mau.”
“Ông đánh vợ tới lọt tròng, bây giờ lại muốn đánh chết bả sao?” Mẹ tôi trả lời. “Không trả.”
Hình như Hai Mân không biết rõ thương tích của vơ, tưởng mẹ tôi chỉ dọa.
“Trả không?”, “Tao đếm 1,2,3… Không trả, biết tay tao.”
“Không trả, Không trả. Không trả.” Mẹ tôi cương quyết.
Lần đầu tiên Hai Mân thấy một người đàn bà dám công khai thách thức ông. Hai Mân nổi dóa,
“Đừng đợi tao xông vô thì tụi bây chết cả đám.”
“Ông dám xông vô?”
“Vợ tao ở trỏng mà tao không dám vô sao?”

Nói xong, ông lấy gậy đập nhầu như điên vô cánh cổng. Cửa rào nhà tôi đan bằng nứa, sao chịu nổi những nhát gậy hung bạo của Hai Mân. Ông ta lúc đó như con cọp dữ, vừa đập phá, vừa chửi bới.

Thấy Hai Mân làm càn, mẹ tôi xuống tấn, hai tay thủ chặt con dao. Khi cánh cổng bị bung, mẹ tôi gầm lên. Tôi giật mình, hốt hoảng, chưa bao giờ tôi thấy mẹ như vậy

“Mầy mà bước vô, bước được chân nào, tao chặt chân đó.”
Mặt mẹ đỏ lừ chuyển sang tím ngắt.
Ông Hai Mân bất ngờ khựng lại.

Nhanh như cắt, không suy nghĩ, tôi phóng xuống bếp vớ con dao phay, thoát ra đứng chặn ở cửa. Mẹ tôi chân yếu, tay mềm, tuy có dao nhưng làm sao chống nổi Hai Mân. Với cây gậy dài, hắn chỉ quất ngang một gậy là mẹ tôi nhào, đâu còn cơ hội chém vào chân “nó”.

Tôi thủ ở đây, đợi Hai Mân quất ngang là tôi nhảy tới. Một nhát chặt vào chân hắn. Sự thể sau đó tôi không tính tới. Chỉ xuất độc một chiêu. Chết sống gì cũng ở phút đó.

May mà Hai Mân còn biết sợ, cái phút khựng lại của Hai Mân quá lâu. Khi xe cảnh sát tới, họ ập vào còng ông ta. Xe cứu thương đi sau cũng rú còi inh ỏi.

Đó là khúc phim kinh hoàng nhất của tôi trong thời thơ ấu.

Sau vụ này, nhà bên trái lui tự động nhổ hàng rào lui sau hai tấc. Nhà bên phải cũng mua một xe dất về lấp con mương.

Sau này biết chuyện, mẹ tôi la rầy quá cỡ. Mẹ bắt đầu dạy tôi học võ, học kiếm, học phóng dao,… Học môn nào tôi cũng thua. Sức tôi yếu, có đánh trúng đích thì cũng không làm đau ai. Sức mạnh của mỗi một người, chỉ có họ mới biết. Tôi muốn nói với mẹ điều này nhưng không còn kịp nữa. Giờ biết nói với ai?

Nguyễn Thị Thảo An
2018/7/27
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 1260)
Hồi trào Tây, người Sài Gòn muốn qua bên Thủ Thiêm họ phải qua sông bằng đò. Sông không rộng lắm, đứng trên kè đá xanh bên bờ này có thể nhìn thấy bờ kia. Năm 1911, Thủ Thiêm là một bến đò nhỏ, chỉ có đò chèo, tới những năm 1930 mới có đò máy và phà, người Pháp gọi là Bac (bến phà).
TẠP CHÍ VĂN HỌC MỚI
TẠP CHÍ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHÁT HÀNH MỘT NĂM 6 SỐ (2 THÁNG 1 SỐ) HẾT HẠN NHẬN BÀI VÀO CUỐI THÁNG THỨ 1
amazon issuu