TẠP CHÍ VĂN HỌC MỚI
TẠP CHÍ VĂN HỌC MỚI

Mỹ học hiện đại: Vai trò và nghi vấn

15/05/20227:37 CH(Xem: 891)
Mỹ học hiện đại: Vai trò và nghi vấn
Mỹ học, từ lâu đã luôn luôn là trọng tâm của các nền tảng triết học, các trường phái nghệ thuật và lý luận văn học. Ý niệm về mỹ học thay đổi từ thời đại lịch sử đến môi trường xã hội; từ nhận thức hiện thực đến các biểu tượng nghệ thuật; từ trực giác cá nhân đến khái quát của ý thức… Mỹ học giữ vai trò thiết yếu nhằm hệ thống hóa khái niệm về cái - đẹp trong bản chất nghệ thuật, để trở thành một phương thức như là một định nghĩa cho chính nó.

Ngoài việc đề cao vai trò và chức năng của nghệ thuật, mỹ học còn quyết định về đối tượng của triết học và các khuynh hướng phê bình văn học. Mỗi trường phái nghệ thuật – chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa dấn thân, chủ thuyết duy cảm, hiện sinh, duy vật v.v…đều đưa ra lý thuyết về mỹ học như một phương thức chung cho khuynh hướng sáng tác, xây dựng nhân vật và đề tài của tác phẩm.Nghệ thuật được định nghĩa tùy thuộc vào lý thuyết và lập trường của người sáng tạo về mỹ học. Cho đến nay, nghệ thuật là gì, một cách xác đáng và đồng nhất chúng ta không thể phủ nhận những khuynh hướng khác biệt và vai trò quyết định của mỹ học cho sự sống còn của nghệ thuật. Các nhà triết học, phê bình gia và ngay cả văn nghệ sĩ trong tác phẩm đều đồng ý ít nhiều rằng, vai trò căn bản và thiết yếu của mỹ học chính là đi tìm sứ mệnh của nghệ thuật

Sự phát triển mạnh mẽ của mỹ học trong thế kỷ XX, được đề cập đến như sự đóng góp và ảnh hưởng lớn lao của Croce Benned-ette Croce (1866- 1952). Là một nhà phê bình, triết gia và sử học người Ý, Croce xuất thân từ ga đình dòng dõi thiên chúa giáo. Cả gia đình cha mẹ và các em, đều chết trong trận động đất lớn ở đảo Ischia năm 1883. Ông về với người chú và theo học luật tại Rome. Sau đó, ông rời Rome trở về sống tại Naples và không nhận cả bằng tốt nghiệp. Croce du hành và sống qua nhiều nước Âu châu: Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Anh.

Ông chịu ảnh hưởng nhiều của chủ nghĩa Marx (Marxism), nhưng đến năm 1900 trong tác phẩm Historical Materialism and the Economiics of Karl Marx, chủ nghĩa xã hội không tưởng và không hiện hữu. Từ 1906 ông cho ra đời hàng loạt tác phẩm về văn học nghệ thuật và triết học, trong đó có ba cuốn ‘Writers of Italy’ ‘Classics of Philosophy’ và The Library of Moderm Culture’ đã gây ảnh hưởng rộng rãi trong sinh hoạt nghệ thuật thế giới.

Trong thế chiến thứ II, Croce tham gia chính trị và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền dân chủ mới ở Ý. Năm 1947 ông từ giã chính trường, trở về sống tại Naples cho đến lúc qua đời ngày 20 tháng 11, 1952.

Lập trường mỹ học của Croce dựa trên sự quan hệ mật thiết giữa mỹ học và phê bình văn nghệ. Đồng thời Croce cũng đưa ra mệnh đề: ‘trực giác = biểu hiện ’ (intuition = expression), được nhiều nhà triết học đề cao và phát triển. Nền tảng cho mệnh đề của Croce đặt hoàn toàn trên sinh hoạt của trí tuệ (mind’s activity). Trí tuệ, theo Croce, là phần sống-còn chi phối toàn bộ hai sinh hoạt thiết yếu của con người, kiến thức (knowing) và hành động (doing).

Hành động là sự phối hợp giũa quá trình tích lũy kinh nghiệm đời sống và thực hành nhận thức của bản thân. Kiến thức, như Croce quan niệm là phần khởi xướng của mỹ học, được trang bị bởi kiến thức trực giác (intuition knowledge) hoặc kiến thức luận lý (logical knowledge)

Khái niệm căn bản cho nhận thức luận lý chính là tính hợp lý; và  căn bản khoa học cho nhận thức trực giác, hoặc sự hình tượng (images), chính là mỹ học

Trực giác, phần sinh hoạt đặc biệt của sự hình tượng (dĩ nhiên, không thiết yếu phải là sự nhìn ngắm), được ghi nhận trong ý thức như một chủ thể - một dòng sông, con suối, cơn mưa, khuôn mặt, nụ cười..! Tất cả những tri thức đó chính là trực giác, nhưng không phải tất cả trực giác bởi một phần trí nhớ đều là tri thức (1).

nguyen-vinh-long-my-hoc-hien-dai-vai-tro-va-nghi-van-bien-khao
 
Quan điểm khác về mỹ học không kém phần quan trọng của Croce, hiện-thực và không-hiện-thực. ‘ Sự phân biệt giữa hiện thực và không-hiện-thực không có sự quan hệ nào đến bản chất căn bản của trực giác Croce phát biểu - trong kiến thức trực giác thật sự, sự phân biệt nầy chưa được kiểm nhận hoặc nếu có, chỉ là những khái niệm.

Điều có thể xảy ra là sự trực giác đơn thuần, không có sự dự phần của ý niệm, Croce dẫn chứng như, hình ảnh ánh trăng trong họa phẩm; làn ranh biên giới của quốc gia trên mặt bản đồ; xúc cảm qua một bản nhạc.

Mặt khác ông cũng phân biệt những trực giác hoàn toàn từ cảm xúc, không nằm trong sinh hoạt của tâm linh. Sự xúc cảm thuần túy dù không dự phần trong ý thức, những hiện tượng đó vẫn được ghi nhận như là trực giác; và mọi trực giác thật sự cũng chính là biểu tượng.

“.. Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ “
(Xuân Quỳnh, Sóng -1967)

Đi từ xúc cảm thuần túy (pure sensation) và bằng hình tượng trực giác, ý thơ chuyển đến biểu hiện cao và vĩnh cửu nhất: tình yêu. Ở đây giá trị thực sự của biểu tượng không phải nằm ở xúc cảm hay trực giác thuần túy nữa, mà là ý thức. Cả trong và ngoài của hình tượng. The wind rises !... We must try to be alive ! ’, như Paul Valéry thốt lên khi nhà thơ đứng trước mộ phần của cha mẹ, bên bờ biển Sette.

Theo Croce, “không thể nào phân biệt trực giác từ biểu hiện trong quá trình nhận thức. Trong biểu hiện đã có sự-hiện-diện của trực giác, và ngược lại, vì đó không phải là hai hoạt động, mà là một “. Croce đã dùng toàn bộ dẫn chứng trên để lý giải mệnh đề ‘trực giác = biểu hiện’ của ông. Tất cả lý giải của Croce  để đưa đến hai vấn đề chính mà ông muốn đề xướng, nghệ thuật chính là sự biểu hiện (art is expression) và, giá trị thật sự của nghệ thuật là bản chất tự nhiên của con người.

Mỗi con người là một nghê sĩ tùy vào khả năng tưởng tượng của chính họ. Và, chừng mực nào đó, nghệ thuật chính là sự phát triển cao nhất của biểu hiện-trực giác (intuition-expression); như khoa học là sự phát triển cao nhất của sinh hoạt kiến thức luận lý. Croce cũng đề cập đến sự quan hệ giữa khoa học và nghệ thuật. Trước tiên, ông cho rằng, trực giác có thể xảy ra ngoài tư tưởng, nhưng tư tưởng không thể hình thành ngoài sự gắn liền với trực giác. Thật vậy, trực giác thật sự phải được ‘biểu hiện’, thì tư tưởng mới phát huy được vai trò của nhận thức. Chức năng của nghệ thuật, chính là sự kết hợp giữa trực giác và tư tưởng. Một cách khác hơn, Croce khẳng định, khoa học chính là nghệ thuật dưới dạng biểu hiện khác và cũng là thành tựu của quá trình phát triển tư tưởng.

Trong tác phẩm, New Essay Oa Aesthetics (Nhận Định Mới Về Mỹ Học), Croce đề cập đến tính trữ tình của nghệ thuật. Ông viết, ‘tất cả biểu hiện của nghệ thuật đều mang tính phức tạp bởi sự hợp nhất của cấu trúc biểu hiện và trực giác chủ quan. Nhưng bản chất nghệ thuật đã mang tính thông nhất của biểu  hiện cá nhân và trực giác của bản thể. Nghệ thuật theo ông, chính là sự trực giác trữ tình được biểu hiện bằng ‘ngôn-ngữ ’.

Cuối cùng, Croce cũng đề cập đến ý niệm mới về ‘Cái-đẹp’ (new theory of beauty), như một phần trong quá trình hình thành của tính biểu hiện. ‘Cái-đẹp’, đơn giản chỉ là một biểu hiện-hoàn chỉnh (successful-expression) hoặc cho cùng, chỉ đơn thuần là biểu hiện; vì, biểu hiên không hoàn chỉnh, không phải là biểu hiện (expression it is not successful is not expression).

Ông cũng cho rằng nghê thuật, không có sự đánh giá của ‘cáiđẹp’ nhưng bao giờ cũng có thước đo của ‘cái-xấu’ ...xuyên qua sự thô thiển hoặc không hoàn chỉnh của tính biểu hiện. Dĩ nhiên, Croce không thể phân biệt có những điều của trực giác không thể trở thành biểu hiện, và những gì không phải biểu hiện lại không chính là những trực giác thật sự.

Áo chàng đỏ tựa ráng pha,
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
Biểu hiện (expression) không mang tính trực giác ? Hoặc là:
Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.
Thể hiện mệnh đề: Trực giác = Biểu hiên (Intuition = Expression)
 
Một cách nào đó, từ một cảm xúc sống sượng hoặc không chính xác để cố gắng trở thành trực giác-biểu hiện đều dễ thất bại. Điều nầy là thật quan trọng của nhiều quan điểm khác biệt trong toàn bộ lý thuyết của Benedetto Croce; phần mà ông cố lý giải một cách khó khăn để làm sáng tỏ và phổ biến.

Nhưng người đàn bà ấy là thị Nở, một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn. Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu má nó phinh phình thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng, trên cổ người. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi: có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra.

Đã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho dày thêm một lần, cũng may quết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách. Đã thế những cái răng rất to lại chìa ra: ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu. Đã thế thị lại dở hơi, đó là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế chí công: nếu sáng suốt thì người đàn bà ấy sẽ khổ sở ngay từ khi mua cái gương thứ nhứt ’ (Nam Cao - Chí Phèo).

Đoạn văn là sự thành công của biểu hiện về ‘Cái-xấu’, nói theo Croce, là một biểu hiện-hoàn chỉnh của mỹ học (successfulexpression of aesthetics). Đã đọc qua, dù chỉ một lần, chúng ta cũng khó có thể quên được hình tượng thị Nở và, chừng như tác giả tạo cho người đọc về biểu hiện (expression) lẫn ấn tượng (impression).

Cũng trong thời gian nầy, tuy không gây những ảnh hưởng lớn như Benedetto Croce, nhưng lý thuyết mỹ học của ông cũng đóng góp phần đáng kể vào những trường phái nghệ thuật của thế kỷ XX. Chúng ta muốn nhắc đến George Santayana (1863- 1952). Sinh tại Tây Ban Nha, đến năm 1863 thì Santayana di cư đến Hoa Kỳ.

Tốt nghiệp đại học Harvard (1886) và giảng dạy triết học tại đây từ 1889 đến 1912. Sau khi rời Hoa Kỳ, ông trở lại Âu Châu và sinh sống tại Rome (Ý).

Ông dành hết khoảng thời gian còn lại để viết cho đến lúc ông mất, 1952. ‘ The Sense of Beauty’ (1896), là một tác phẩm nghiêng về tâm lý học chia làm hai phần, nghiên cứu sinh hoạt nội tâm và lý thuyết của quá trình thử nghiêm về những điều kiện của Cái-đẹp. Một cách nào đó, ‘ The Sense of Beauty’ là sự khái quát tổng thể về các quan niệm mỹ học của thế kỷ XVIII. Mặt khác, Santayana tìm hiểu thêm và phát triển mạnh mẽ chủ thuyết Hegel trong lãnh vực tâm lý và mỹ học. Santayana vận dụng tâm lý học vào hai lãnh vực quan trọng của mỹ học, biểu hiện (expression) và cái-đẹp (beauty).

Trong quá trình hình thành hay xây dựng cái đẹp, người nghệ sĩ vận dụng toàn bộ kinh nghiệm, từ đời sống đến phương tiện (màu sắc, ngôn ngữ, âm thanh...), từ quá khứ đến viễn ảnh của tương lai... Sự tái tạo của nghệ thuật bao gồm cả những tích lũy của hôm qua và những sáng tạo của hôm nay có được.

Sáng tạo nghệ thuật, Satayana cho rằng, trước hết là sự khoái cảm (pleasure), mang giá trị thực chất và tích cực. Sự khoái cảm giống như bao nhiêu xúc cảm khác có thể bằng tư tưởng biến thành sự thăng hoa của ý thức.

‘Nếu chúng ta bảo rằng người khác cũng phải nhìn thấy cáiđẹp như chúng ta là vì chúng ta nghỉ rằng cái-đẹp là một chủ thể, như màu sắc, kích thước và hình dạng. Sự xét đoán như vậy chỉ đơn thuần dựa vào tri thức và những khám phá cho sự hiên hữu bên ngoài của một vấn dề hoàn toàn không có thực’-(The Sense of Beauty).

Quan điểm của Santayana cho thấy cái-đẹp là một giá trị chỉ hiện hữu trong ý thức. ‘ Cái-đẹp không phải là điều để lý giải, mà là sự khoái cảm, và ngoài sự ức đoán ’, ông nói thêm. Thật sự không có một khám phá nào của tâm lý học để biện minh lý luận trên, ngay cả những những công trình nghiên cứu trong ‘The Sense of Beauty’, của ông. Mãi nhiều năm sau (1925), trong tác phẩm ‘ The Mutability of Aesthetic Categories Santa¬yana phủ nhận: *... cái-đẹp không thể gọi là một ‘chủ thể-khoái cảm’, bởi vì tôi nhìn thấy rằng vật thể không thể trở thành một đối tượng đơn thuần bởi vì bằng trực giác; khoái cảm như màu sắc, âm thanh là những gì không thuộc chủ thể lẫn đối tượng nhưng là sự cảm nhận tự nhiên’.

Tiêp nối những trình bày về quan điểm của cái-đẹp, Santayana bước sang phần hai của tác phẩm ông: bàn luận về điều kiện của cái-đẹp. Ông chia 'cái-đẹp' làm ba phần: cái-đẹp của vật thể (beauty of material), cái-đẹp của hình dạng (form) và cái-đẹp của biểu hiện (expression).

Trong tất cả những biểu tượng, chúng ta có thể phân biệt hai phần: trước hết là sự có mặt của đối tượng, của ngôn ngữ, và vật biểu hiện; sau đó là sự góp phần của chủ thể, trong chuỗi dài suy tưởng, xúc cảm hay gợi lên những dự tưởng, vật thể trở thành biểu hiện’.

Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình muôn thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
(Đoàn Phú Tứ - Màu Thòi Gian)

Toàn thể bài thơ, trước hết, là sự cảm khoái thuần túy (pure pleasure), hoàn toàn dựa trên cảm xúc (sensation) của vật thể (ngôn ngữ, màu sắc, nhạc điệu) và hình tượng. Bài thơ không là một đối tượng để thưởng ngoạn mà trở thành một chủ thể của biểu hiện. Xúc cảm lắng đọng để đón nhận sự tham dự của ý thức. Tính hình tượng của màu sắc (xanh, tím, vàng) kết hợp hình ảnh và điển cố của Dương Qúy Phi (Tóc mây một món chiếc dao vàng ), của Lý phu nhân (Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng), nâng xúc cảm trở thành biểu hiện.

Giá trị mỹ học là gì, nếu không phải là sự kết hợp giữa biểu tượng vật thể và cái-đẹp của nghệ thuật.

John Dewey sinh ngày 20 tháng 10, 1859 tại tiểu bang Vermont Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp đại học cùng tiểu bang (1879) và dạy trung học được hai năm, Dewey bắt đầu nghiên cứu triết học và viết bài cho tạp chí ‘Journal of Speculative Philosophy’. Trong thời gian chuẩn bị cho luận án tiến sĩ, 1884 ông được mời dạy tại đại học Michigan.

Tại đây ông đã xuất bản hai tác phẩm về tâm lý nổi tiếng: Psychology (1887) và New Essay Concerning the Human Understanding (1888). Đến 1904, Dewey được mời về nghiên cứu tại phân khoa triết học nầy, ông đã hoàn tất nhiều tác phẩm về triết học, chính trị, giáo dục ảnh hưởng rộng lớn trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của Hoa Kỳ và thế giới.

Về hưu năm 1930, Dewey tiếp tục sự nghiệp triết học của mình bằng hằng loạt những tác phẩm quan trọng như: Art as Experience (1934), The Theory of Inquiry (1938), Freedom and Culture (1939),... cho đến khi qua đời vào ngày 2 tháng 6, 1952.Trọng tâm khởi nguồn cho những công trình nghiên cứu triết học của John Dewey, được gọi là ‘nghiệm-chứng luận’(epistemology). Tuy nhiên nhiều năm sau đó, trải qua nhiều thử nghiệm, Dewey từ bỏ cụm từ nghiệm-chứng luận ’, để thay thế bằng ‘lý-thuyết nghi-vấn’ (theory of inquiry) hoặc còn gọi là Lý luận thực nghiêm’ (experimental logic) gần gũi với hệ thống triết học của ông hơn (2).

Trong tư duy của Dewey, cho dù dựa chủ nghĩa duy lý (rationalism) hoặc chủ nghĩa kinh nghiệm (empiricist), chính là nỗ lực phân giải giữa tư tưởng, lãnh vực của kiến thức và thực giới mà tư tưởng ghi nhận; tư tưởng là sự chứng minh cho phần hiện hữu của thực giới, nghiệm chúng luận được hiểu như sự phòng bị trực tiếp của chủ thể.

Xuất phát từ chủ nghĩa duy lý (rationalism) của Descartes đến học thuyết bẩm sinh (doctrine of innate), sự phân giải giữa tính di truyền, bẩm sinh và quá trình kinh nghiệm hình thành tư tưởng vẫn là vấn đề còn nhiều nghi vấn ?

Năm 1931, Art as Experience (3) ra đời là một tác phẩm đề cập nhiều đến vấn đề và lý thuyết mỹ học của Dewey. Đây cũng là tác phẩm thể hiện lập trường khác biệt của triết học Dewey khi ông đưa ra những nhận định về nghệ thuật và mỹ học trong chương ‘tự nhiên và kinh nghiệm’ (Eperience and Nature). Ông luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của ý nghĩa và tính hợp nhất của mọi sinh hoạt tư duy của con người từ quá trình kinh nghiêm. Để phát triển lý thuyết kinh-nghiệm tự-nhiên, Dewey kết hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa hai phần tưởng chừng như tách biệt.Trước hết là sự tích lũy kinh nghiêm của chủ thể xuyên qua quá trình thực tiễn, và kế đến, ông gọi là giai đoạn tự hủy (consummatory phase) của những kinh nghiêm tích lũy để chuyển qua sự chọn lọc của tư tưởng biến kinh nghiệm trở thành ý thức tự nhiên. Lý thuyết nầy được Dewey phát triển mạnh mẽ trong Art as Experience, là một trong những đóng góp lớn của ông trong mỹ học và triết học.

Căn nguyên của quá trình mỹ học, Dewey lý giải, là từ những kinh nghiêm thông thường xuyên qua nhiều quá trình tích lũy và tự hủy để biến thành tư tưởng mang tính khái quát cao trong đời sống. Nơi mà bằng lòng say mê nghệ thuật và những ‘đặc quyền’ của năng khiếu, kinh nghiêm khái quát trong chức năng truyền đạt trở thành kinh nghiêm nghệ thuật.

Tuy nhiên, Dewey phản đối nguồn gốc lịch sử từ cảm tính của chủ nghĩa kinh nghiệm hình thành. Người nghệ sĩ tập trung tư tưởng vào ý nghĩa của đời sống nghệ thuật hơn là bản sao của nghệ thuật từ đời sống. Giá trị căn bản của quá trình nghệ thuật chính là cảm xúc - không phải là thứ cảm xúc sống sượng (raw passion) và sự bộc phát (outburst), nhưng xúc cảm của sự phản ánh đời sống và sử dụng như biểu hiện thống nhất qua tính cách của nghệ thuật.

Mặc dù Dewey biết rằng cảm xúc đó chưa phải là sự chứa đựng tính nghệ thuật, nhưng đó chính là ‘dụng-cụ’ (tool) thiết yếu của người nghệ sĩ trong sự sáng tạo

‘...Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo thai nhi. Hằng ngày, các nhau nhi bỏ đi Thủy cho vào phích đá mang về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn. Thực ra điều nầy tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì.

Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám. Trong đó có bàn tay trẻ con bé xíu hồng hồng, ngón tay chấp chới nổi lên mặt nước sục sôi. Tôi lặng người. Cha tôi khóc. Ồng cầm phích nước đá ném vào đàn chó béc-giê: ‘ Khốn nạn ! Tao không cần sự giàu có này ! ‘ Đàn chó sủa vang. Ông bỏ lên nhà, vợ tôi đi vào nói  với ông Cơ:

‘ Sao không cho vào máy xát ? Sao để ông biết ? ‘
Ông Cơ bảo: ‘ Cháu quên, cháu xin lỗi mợ ‘. (Nguyễn Huy Thiệp- Tướng Vê Hưu)

Hình ảnh ‘nuôi chó bằng thai nhi’ qua ngòi bút của NHT không còn là sự hư cấu hay tưởng tượng, mà là kinh nghiêm của hiện thực. Nhưng không phải thứ ’ bản-sao ’ của ngôn ngữ từ đời sống hiện thực mà chính là biểu hiện của xã hội.

Tác giả chừng như chỉ muốn làm nhiệm vụ phản ánh khách quan, và dành mọi xúc cảm và nhận định cho người đọc. Ở đây xúc cảm của người đọc, có thể, chưa phải là sự hàm chứa ý niệm của nghệ thuật, nhưng xúc cảm đã thật sự trở thành nhu cầu thiết yếu cho người viết tái tạo ý nghĩa nghệ thuật từ đời sống. Hai vấn đề hệ trọng khác của mỹ học mà John Dewey nhắc đến trong Art as Experience là, sự khác biệt kết cấu và thể loại và, sự quan hệ giữa người nghệ sĩ sáng tạo và người thưởng ngoạn.Ông cho rằng giữa kết cấu và thể loại là hai mặt khác biệt và đứng song song trong tác phẩm.

Theo Dewey, thể loại phải được hiểu như là sự bức phá (dynamic) của hình dạng cấu trúc, mà sự biểu hiên tư tưởng qua nhân vật, bố cục và những liên hệ ý nghĩa hành động chính là kết cấu. Nghệ thuật là sự thể hiện kinh nghiêm của người nghê sĩ bằng nhiều thể loại riêng biệt mà sự kết cấu mang phẩm chất cao nhất.

Dewey đồng thời chống đối quan niêm truyền thống về vai trò chủ-động (active) của người sáng tác và vai trò thụ-động (passive) của người thưởng ngoạn. Ông đề cập đến quan điểm về sản phẩm của nghệ thuật (art product), sáng tạo bởi người nghê sĩ và giá trị thực sự của nghệ thuật (value of art) được đánh giá bỏi sự chọn lọc tinh khôn của người thưởng ngoạn (an astute audience).
 
Chia sẻ cùng quan điểm về mỹ học với John Dewey, nhà thơ, kịch tác gia người Đức Bertolt Bercht (4), đã tạo dựng những chức năng mới của kịch nghệ. Ông đả kích lại những truyền thông kịch nghệ trước đó nhằm tạo cho khán giả những cảm giác phấn chấn, hồi hộp hoặc cảm xúc của sự thương xót, mủi lòng. Bercht không muốn khán giả thưởng ngoạn kịch của mình bởi những cảm giác xúc động - ông muốn họ suy nghĩ - và kết thúc, ông hủy bỏ tất cả những ảo giác sân khấu đối với người xem. Bertolt Bercht chỉ trích loại kịch nghệ để lại ảo tưởng thương hại hoặc buồn thảm cho người xem.

Kết quả của những nghiên cứu, Bercht đề ra kỹ thuật sáng tác mới cho kịch nghệ mà ông gọi là ‘tác-động tâm-thần’ (verfrem- dungseffekt hay là alienation effect). Kỹ thuật nầy trong kịch nghệ tạo cho khán giả giữ được vai trò thưởng ngoạn tỉnh táo và sự phê phán khách quan của mình. Một trong những vở kịch thể hiện khuynh hướng sáng tác nầy là vở Mother Courage and Her Children (1941). Vở kịch dựng lên câu chuyện của một người đàn bà đi theo đoàn quân hoàng gia Thụy Điển để bán tạp hoá như quần áo, thức ăn, đồ dùng... để nuôi các con của bà. Chiến tranh càng bùng nổ, con cái bà luôn đương đầu, đối diện với cái chết hằng ngày, nhưng bà không thể nào tìm thấy cuộc sống nào khác hơn ngoài chiếc xe ngựa chở tạp hoá theo đoàn quân tận chiến trường. Vở kịch cũng chưa thật sự tách rời mọi cảm giác của người xem để tạo một tinh thần thưởng ngoạn tỉnh táo và đầy phê phán như ông muốn. Khán giả không thể nào rời xa cảm xúc thương tâm trước những cảnh ngộ khốn khổ của người đàn bà trong cuộc sống chiến tranh. Mặc dầu bà chỉ là một nạn nhân của hoàn cảnh, nhưng là một nạn nhân kiên cường và tự nguyện.

John Dewey đã dành hết chương cuối cùng của Art as Experience để nói đến sự ẩn chứa của xã hội tính trong nghệ thuật (social implications of the arts). Nghệ thuật là sản phẩm của văn hoá (culture), và văn hoá xuyên qua nghệ thuật đã biểu hiện ý nghĩa cuộc sống con người, tư tưởng và hy vọng; là giá trị cội nguồn của con người và thời đại. Tước bỏ những chức năng đó, theo Dewey, chính là sự kết án giá trị mỹ học của nghệ thuật. Cũng trong chương nầy, ông đặc biệt đề cập đến tình trạng kỹ nghệ hoá xã hội. Tình trạng nầy đưa đến sự lập lại máy móc và nhàm chán của con người trong cuộc sống và niềm tin, hy vọngcũng không còn giá trị tồn tại của chính nó.

Tuỳ theo sự phát triển kỹ thuật, Dewey cho rằng, là sự bất hạnh của chức năng nghệ thuật trong cuộc sống thường nhật.

Ông kết luận, vai trò thực tế của nghệ thuật chính là kết hợp hài hoà giữa đời sống xã hội hiện đại và sinh hoạt tư tưởng của con người; là chấm dứt sự phân chia của những hoạt động máy móc hàng ngày và niềm hy vọng của con người vào những điều tốt đẹp chưa thật sự xảy ra.

Chào đời tại Ái Nhĩ Lan trong một gia đình trung lưu, Samuel Beckett (5) được nhớ lại như đứa trẻ có một thời niên thiếu cô đơn và buồn bã. Năm 22 tuổi ông rời Ái Nhỉ Lan để đến sinh sống ở Paris. Samuel bắt đầu làm thơ và viết bình luận cho các tờ báo Pháp. Chẳng bao lâu, ông từ giã Paris để lang thang  khắp Âu Châu, làm thơ, viết truyện và làm mọi nghề lao động vụn vặt để mưu sinh.

Cuối cùng ông trở lại và định cư tại Paris, 1937. Sau khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, ông bắt đầu sự nghiệp sân khấu và văn chương của mình bằng hằng loạt những vở kịch, truyện ngắn và phê bình văn học.

Vở kịch Waiting for Godot (1953), như là một tiêu biểu cho quan điểm kịch nghệ và khuynh hướng mỹ học của Samuel.

Được trình diễn lần đầu tại Théâtre De Babylone, đã gây sửng sốt và kinh ngạc đến khán giả và các nhà sáng tác kịch nghệ. Với một vở kịch ngắn ‘kỳ-lạ’, không tác động kịch tính và sự trông vắng tột cùng của sân khấu, for Godot đã thành công rực rỡ với 400 lần trình diễn và nhiều sự ca ngợi của các nhà soạn kịch lừng danh như Tennessee Williams, Jean Anouilh, Thornton Wilder...

Trong đó kịch tác gia William Saroyan đã phát biểu: ‘ Vở kịch sẽ tạo đường hướng sáng tác sân khấu rộng rãi và tự do cho tôi và các nhà soạn kịch khác’

Waiting for Godot là một vở bi-hài kịch (tragi-comedy) hai màn với hai khách bộ hành Vladimir và Estragon, là nhân vật chính. Họ gặp nhau dưới tàn cây trụi lá bên vệ đường trống vắng và gọi lẫn nhau là Gogo và Didi. Cả hai đều chờ đợi để hẹn gặp Godot, như một biểu tượng của Thượng Đế (God).

Trong thời gian chờ đợi buồn tẻ, họ kể nhau nghe về quãng đời quá khứ, những câu chuyện hài hước, ăn uống và bao suy đoán về Godot. Nhưng Godot không xuất hiện, chỉ nhắn qua nhân vật trưởng giả hung bạo Pozzo và người đầy tớ Lucky (lướt qua nhanh trên sân khấu) rằng, ông ta không đến được hôm nay và hẹn chắc sẽ đến vào ngày mai.

Trong màn hai, Gogo và Didi vẫn đợi, và Godot cũng không tới và cũng nhắn sẽ hẹn đến ngày mai... Cả hai, Gogo và Didi cuối cùng cố gắng treo cổ tự tử, sau đó lại có ý định ra đi, nhưng họ không cònchút năng lực nào để di động được nữa. Họ bất lực và bất động với cuộc đối thoại cuối cùng: Vladimir: chúng ta nhất định phải trở lại ngày mai. Estragon: để làm gì ?

Vladimir: dể chờ gặp Godot.
Estragon: à... (yên lặng)... rồi ông ấy cũng không đến ?
Vladimir: KHÔNG

Có lẽ sự thành công ‘để-đời’ của vở Waiting for Godot, là lần trình diễn tại sân khấu của khám đường chung thân San Quentin (1957) trước hơn 1400 khán giả ‘khổ sai chung thân’ tại đây. Khán giả tù nhân thưởng ngoạn và cổ võ nhiệt liệt, và chừng như họ là người hiểu và thông cảm hơn hết sự ‘ chờ-đợi ’ của hai nhân vật Vladimir và Estragon trong vở kịch. Sự chờ đợi như ý nghĩa cuộc đời họ, giết thời gian và bám vào những niềm hy vọng ẩn núp đâu đó ở những khúc quanh. Nếu không phải hôm nay, thì một ngày nào đó sẽ tới, có lẽ.

‘... Thật là một điều không cần thiết để làm bụi bẩn đến niềm im lặng và hư không ’, Samuel Beckett phát biểu như vậy, cho mỗi chữ viết của mình.

Tham khảo và chú thích:
1. Raffaello Piccoli, Benedetto Croce: An Introduction to His Philosophy (New York: Harcourt, Brace and Company, 1922).
2. Thomas M. Alexander, The Horizons of Feeling: John Dewey’s Theoiy of Art, Experience, and Nature (Albany: State University of New York Press, 1987).
3. John Dewey, Art as Experience (New York: Minton, Balch & Co., 1934).
4. Bertolt Bercht (1898-1956), kịch tác gia người Đức tạo nhiều ảnh hưởng đến sân khấu kịch trong thế kỷ XX Sinh ra và trưởng thành tại Đức, đến năm 1933 ông bị trục xuất ra khỏi nước vì chống lại chính quyền của Adolf Hitler. Bertolt cùng gia đình sống lưu vong tại Hoa Kỳ gần 14 năm.  Mặc cố gắng với nhiều xuất bản kịch bản cho sân khấu và điện ảnh, nhưng Bertolt đã không thành công với thương trường nghệ thuật và khán giả Hoa Kỳ.

Năm 1947 ông trở lại Âu Châu cho đến hai năm cuối đời, ông vê sống tại Đông Đức và mất tại đây, 1956.

Những kịch bản chính của Bertolt có thể kể: Drums in the Night (1922), The Measures Taken (1930-1931), The Private Life of the Master Race (1941), Galileo (1947) and Mother Courage and Her Children (1941).

Ông viết và sáng tác trong nhiêu lãnh vực, thơ, tiểu thuyết, tiểu luận, kịch và cả đài phát, truyền hình... Vài tác phẩm tiêu biểu của Samuel có thể kể

5. Samuel Beckett (1906-1989), nhà văn và kịch tác gia hậu hiện-đại (postmodernist) người Ái Nhĩ Lan. Kịch phẩm của ông đặt nhiều vấn đề đến nỗi khổ dằn vặt của con người và tâm trạng sống sót; nhân vật của Samuel luôn đối diện với một thế giới của sự VÔ NGHĨA và TRỐNG KHÔNG.
- tiểu thuyết: Malloy, Malone Dies, The Unnamable, and Mercier et Camier,
- kịch: Eleutheria, Waiting for Godot, Endgame;
- thơ: tuyển tập Mirlitonnades;

Tác phẩm của Samuel Beckett được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ và phổ biến trên khắp thế giới. Nhận giải thưởng Nobel về văn chương năm 1969 và tiếp tục sáng tác cho đến lúc ông qua đời vào năm 1989.

(Nguồn: Trích Chủ Đề 7- Số Mùa Thu 2001)

NGUYỄN VĨNH LONG
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 1003)
Bài viết này hướng đến tương lai và viễn tượng, trong lãnh vực văn học và thiển nghĩ từ nền tảng, một số đặc tính của của văn-chương vẫn chưa thực sự được các nhà văn thơ Việt-Nam khai thác, gần gũi.
TẠP CHÍ VĂN HỌC MỚI
TẠP CHÍ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHÁT HÀNH MỘT NĂM 6 SỐ (2 THÁNG 1 SỐ) HẾT HẠN NHẬN BÀI VÀO CUỐI THÁNG THỨ 1
amazon issuu